NHỮNG GIẢI PHÁP DẠY – HỌC MĨ THUẬT THEO ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CHO HỌC SINH
Đặt vấn đề:
Môn Mĩ thuật là môn học có vai trò quan trọng trong việc giáo dục phát triển toàn diện học sinh. Thông qua môn học, học sinh biết cách cảm nhận cái đẹp, yêu cái đẹp, để từ đó biết cách rèn luyện đôi bàn tay, trí óc của mình tạo ra cái đẹp và vận dụng cái đẹp vào cuộc sống hàng ngày. Giáo dục Mĩ thuật đóng vai trò rất quan trọng,không chỉ khuyến khích sự sáng tạo của trẻ mà còn giúp trẻ phát triển nhân cách và năng lực xã hội.
Trên cơ sở lý thuyết giáo dục và giảng dạy Mĩ thuật, giáo viên sẽ tổ chức dạy cho các em học Mĩ thuật thông qua các quy trình Vẽ cùng nhau, Vẽ theo nhạc, Vẽ biểu đạt, tạo hình 3D từ các vật tìm được, Xây dựng cốt truyện… Thông qua các hoạt động tạo hình sẽ khơi gợi và phát huy được năng khiếu thẩm mỹ vốn có ở trẻ, gây hứng thú cho các em trước cái đẹp, tiến tới hình thành thị hiếu thẩm mỹ của học sinh trong cuộc sống. Hoạt động giáo dục Mĩ thuật còn góp phần đem lại nhận thức mới, niềm vui, hứng thú và sáng tạo học tập cho trẻ. Điểm nổi bật của phương pháp dạy học này là giáo viên có thể chủ động theo từng nội dung tiết dạy mà kết hợp nhiều kỹ thuật trong một bài dạy. Khi giảng dạy, giáo viên Mĩ thuật phải nắm vững những yêu cầu để xây dựng các nội dung liên kết, đặc biệt lưu ý tới 5 lĩnh vực năng lực: kinh nghiệm; kỹ năng và kỹ thuật; phân tích giải trình; thể hiện năng lực truyền thông tin và đánh giá với các chủ điểm chung phù hợp với học sinh tiểu học ở các lứa tuổi khác nhau. Tổ chức lớp học phần lớn được thông qua hoạt động nhóm theo phương châm: Lấy người học làm trung tâm, khuyến khích sự tương tác, kích thích tư duy sáng tạo, kích thích phát triển nhận thức thông qua hoạt động thực tế mà các em được trải nghiệm.
Phương pháp dạy học Mĩ thuật mới này tuy có rất nhiều ưu điểm nhưng vẫn còn khá nhiều điểm giáo viên còn lúng túng, không biết thực hiện như thế nào cho đúng tinh thần đổi mới, cho đạt hiệu quả. Mặt khác, sách giáo khoa mới hoàn toàn và nội dung của từng bài cũng có nhiều điểm mới nên giáo viên cũng không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc.Phương pháp dạy học Mĩ thuật theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh, song kích thích sự tương tác, tư duy sáng tạo và phát triển nhận thức, giúp học sinh có được những khả năng: biểu đạt và giao tiếp thông qua hình ảnh; khám phá và hiểu được văn hoá thông qua nghệ thuật thị giác, hình thành các kĩ năng sống trong lĩnh vực mĩ thuật; yêu thích cái đẹp và vận dụng cái đẹp vào cuộc sống hàng ngày. Ở một số qui trình tuy là ngộ nghĩnh nhưng cũng khó khăn cho một số đối tượng học sinh trong lớp học.
Việc vận dụng phương pháp Mĩ thuật Đan Mạch vào chương trình dạy học Mĩ thuật mới như cởi trói, giải phóng khỏi khuôn mẫu. Học sinh được tự do, thoải mái sáng tạo theo phương châm học mà chơi, chơi mà học mà không sợ mình không biết vẽ. Mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng giáo viên vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong trong quá trình dạy học để vừa thực hiện được đổi mới vừa đảm bảo được chuẩn kiến thức, kĩ năng của sách Mĩ thuật mới là điều mà phần lớn chúng ta còn băn khoăn. Xuất phát từ thực tế giảng dạy và muốn tạo điều kiện để giáo viên trao đổi nhiều hơn về phương pháp dạy học này.
Mục tiêu:
– Hiểu rõ về Dạy học theo chủ đề và phát triển năng lực, vận dụng phương pháp dạy học và các quy trình Mĩ thuật mới
– Nắm được cấu trúc, đặc điểm và nội dung dạy -học Mĩ thuật theo chủ đề và định hướng phát triển năng lực cho học sinh tiểu học.
– Có kĩ năng xây dựng kế hoạch dạy học theo chủ đề, phát triển các kĩ năng tổ chức hoạt động dạy học phù hợp với thực tế.
III. Một số giải pháp:
Xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp theo định hướng phát triển năng lực:
Để thực hiện tốt việc dạy học phát triển năng lực cho HS giáo viên cần nghiên cứu kĩ các nội dung trong sách Dạy và Học Mĩ thuật mới như:
a) Theo Chủ đề: Mỗi chủ để thường kéo dài 2- 5 tiết học /35 tiết/ 35 tuần học
b) Kiến thức – kỹ năng mĩ thuật theo các chủ đề dựa trên sự liên kết các phân môn Mĩ thuật như: Vẽ, nặn, cắt, xé dán, thường thức mĩ thuật,…
c) Mục tiêu học sinh cần đạt dựa trên chuẩn kiến thức kĩ năng theo chủ đề, có sự tích hợp với kiến thức- kĩ năng của các môn học có liên quan. Các năng lực cốt lõi được phát triển: Sáng tạo, biểu đạt bằng ngôn ngữ tạo hình, ngôn ngữ diễn đạt, giao tiếp, đánh giá.
d) Phương pháp dạy học: dựa trên sự trải nghiệm, sự khám phá kiến thức, kĩ năng sáng tạo linh hoạt của học sinh trong các quy trình mĩ thuật dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
e) HS tham gia tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau trong quá trình hoạt động học tập và sản phẩm, dựa trên năng lực theo hướng dẫn của giáo viên.
Căn cứ vào các nội dung trên giáo viên cần nghiên cứu, xây dựng kế hoạch dạy học sao cho phù hợp, bởi mỗi chủ đề đều có từ 2 đến 5 tiết học nên giáo viên cần phải xây dựng 1 kế hoạch dạy học một cách chặt chẽ thì việc dạy học này mới đạt hiệu quả.
Ví dụ:
Chủ đề chú bộ đội của chúng em gồm 2 tiết, giáo viên cần xây dựng như sau:
Tiết 1: Nắm được phần tìm hiểu, cách thực hiên, tạo ngân hàng hình ảnh ( Có thể đạt trên 50% học sinh, không cần vẽ màu, tạo được hình dáng, trang phục là đạt)
Tiết 2: Tiếp tục thực hành, hoàn thành sản phẩm, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, Nhận xét đánh giá kết quả học tập của học sinh.
Ví dụ : Chủ đề Trường em ở lớp 5, gồm 4 tiết giáo viên cần xây dựng như sau:
Tiết 1: Tạo ngân hàng hình ảnh : Vận dụng quy trình vẽ cùng nhau và sáng tác câu chuyện.
Tiết 2,3: Thực hành: Vận dung quy trình xây dựng cốt truyện và tạo hình 3D.
Tiết 4: Trưng bày, giới thiệu sản phẩm
Hình thành và phát triển năng lực thông qua giáo dục Mĩ thuật.
Giáo viên cần nắm được cách tổ chức các quy trình dạy – học mĩ thuật nhằm phát triển trí tuệ thị giác – không gian và ngôn ngữ thẩm mỹ. Giáo dục mĩ thuật khuyến khích học sinh phát triển các năng lực:
a) Năng lực trải nghiệm:
– Học sinh có được những trải nghiệm để gợi mở cách nhìn nhận, cảm giác, sự tò mò, trí nhớ, trí tưởng tượng và phát triển sức sáng tạo và biểu đạt.
– GV cần gợi mở để học sinh thông qua những vấn đề trải nghiệm để các em có sự tò mò, khám phá và sáng tạo
Ví dụ: Chủ đề Chú bộ đội của chúng em học sinh ngoài việc quan sát tranh ảnh trong sách các em còn có thể biết được hình ảnh các chú bộ đội qua hình ảnh chú bộ đội thật ngoài đời, trên truyền hình, trên các phương tiện thông tin đại chúng,….vì vậy các em dễ dàng diễn đạt được vào nội dung bài vẽ của mình.
b) Năng lực kỹ năng và kỹ thuật :
– Giáo dục mĩ thuật giúp cho học sinh phát triển ngôn ngữ không gian – thị giác, học sinh học các ngôn ngữ mĩ thuật khi các em thực hành và hiểu cách sử dụng đường nét, hình khối, kích cỡ, bố cục, màu sắc.
Học sinh sẽ vận dụng năng lực này từ thực tiễn vào bài học và từ bài học vào thực tiễn
Ví dụ: Khi dạy chủ đề Sự liên kết thú vị của các hình khối các em nắm được các hình khối, sắp xếp các hình khối để tạo thành một sản phẩm mĩ thuật liên quan đến cuộc sống như: Ngôi nhà, phích nước, tủ lạnh, ti vi,…
c) Năng lực biểu đạt :
– Giáo dục mĩ thuật giúp học sinh có khả năng khám phá ra năng lực của mình thông qua các phương tiện khác nhau cũng như trải nghiệm những niềm vui thích khi tạo ra những sản phẩm, những biểu đạt mang tính độc lập và đặc sắc của mình.
d) Năng lực phân tích và diễn giải :
– Giáo dục mĩ thuật mang lại cho học sinh “con mắt” tò mò để tìm hiểu và phân tích văn hoá thị giác cũng như quá trình sáng tạo. Qua đó các em phát triển tính sáng tạo và khám phá những ý tưởng mới khi tìm hiểu các bức tranh, các tác phẩm điêu khắc, bài thuyết trình hoặc các buổi triển lãm.
Ví dụ: Khi dạy chủ đề về Tìm hiểu tranh theo chủ đề Ươc mơ của em, GV cần hướng dẫn để các em thể hiện được năng lực này như: Phân tích về hình ảnh, màu sắc, đường nét, bố cục của bức tranh, diễn giải và trình bày được ước mơ của mình một cách trôi chảy thuyết phục,..
e) Năng lực giao tiếp và đánh gía:
– Học sinh sẽ thảo luận và đánh giá các hoạt động tại lớp học. Trong suốt quy trình, giáo viên và học sinh có thể thảo luận mục đích và kết quả qua từng bước sáng tạo từ đầu cho đến khi có sản phẩm cuối cùng. Sau mỗi quy trình, giáo viên và học sinh sẽ đánh giá chất lượng của mỗi sản phẩm được tạo ra cũng như hiệu quả xuyên suốt quá trình học tập.
Khi dạy chủ đề Chú bộ đội của chúng em, học sinh sẽ đánh giá được hoạt động học tập tại lớp của mình của bạn, đánh giá kết quả học tập (sản phẩm) sau mỗi tiết học. Ở tiết 1 HS sẽ đánh giá quá trình tạo ngân hàng hình ảnh, ở tiết 2 các em sẽ đánh giá kết quả học tập cả chủ đề.
GV cần tạo điều kiện cho các em thể hiện năng lực đánh giá bằng hình thức hỏi đáp, trao đổi để các em khắc sâu kiến thức, giúp học sinh thể hiện tốt năng lực giao tiếp, đánh giá.
3. Hoạt động học tập cá nhân, nhóm theo hướng phát triển năng lực:
Trải nghiệm hoạt động thực hành tư duy, quan sát và tạo hình, diễn thuyết, từ các yêu cầu ở mỗi chủ đề dạy học sách giáo khoa theo định hướng phát triển năng lực cho đối tượng là học sinh.
Trong hoạt động nhận thức, tích cực trong quá trình trải nghiệm thực hành nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS.
Tính tích cực: là tích cực, tìm hiểu và giải quyết nhiệm vụ nhận thức dưới sự tổ chức hướng dẫn của GV. (Tập trung trong hoạt đông Tìm hiểu và cách thực hiện)
Tính chủ động: là thể hiện ở chỗ HS tự giác sẵn sàng tham gia vào các hoạt động học tập, tự lực giải quyết các nhiệm vụ học tập dưới sự điều khiển của GV, HS hứng thú, hào hứng hơn trong quá trình học tập, HS chủ động trao đổi với nhau và với GV nhiều hơn. (Tập trung trong hoạt đông Tìm hiểu và cách thực hiện)
Tính sáng tạo: là tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần mới (sản phẩm làm ra và kiến thức, phương pháp, công cụ …) có giá trị, ý nghĩa cho bản thân từng học sinh và xã hội.(Tập trung trong hoạt đông Thực hành)
Tính trải nghiệm: là hoạt động tự trưng bày sản phẩm, biết nhận xét, nêu cảm nhận, chia sẻ về hình thức, phương pháp và hoạt động vừa trải nghiệm. .(Tập trung trong hoạt đông Trưng bày và giới thiệu sản phẩm)
Trong học tập, yêu cầu sáng tạo đối với học sinh là tạo ra cái mới đối với bản thân thông qua quá trình học tập trải nghiệm thực hành để rồi đúc rút thành kiến thức và kỹ năng cho cá nhân ở mỗi học sinh trong quá trình học tập.
Đối với người giáo viên trong hoạt động dạy học cần tích cực coi trọng việc rèn kỹ năng tự học cho học sinh.
– Dạy cách tự học, tự làm một cách sáng tạo.
– Coi trọng việc trau dồi kiến thức lẫn việc bồi dưỡng kỹ năng ( kỹ năng thu thập, xử lý, truyền đạt thông tin…).
Ví dụ: Khi dạy chủ đề Chú bộ đội của chúng em Lớp 5, GV cần cho học sinh tích cực suy nghĩ, hiểu nhớ lại được hình dáng trang phục, hoạt động của chú bộ đội để vẽ, nặn hoặc xé dán và sáng tạo thêm. Học sinh có thể hiểu thêm ngoài chú bộ đội còn có các cô bộ đội nữa. GV không nhất thiết phải làm mẫu để học sinh làm theo mà chỉ cần gợi ý để các em có ý tưởng thực hiện. ( Chỉ cần quan s`át hình ảnh nhớ lại được hình dáng trang phục và vẽ; phần này đã minh họa trong tiết dạy ngay đầu phần thực hành)
Cách thức dạy -học Mĩ thuật theo phương pháp mới
4. a) Học trong Mĩ thuật (Học kiến thức cơ bản của Mĩ thuật)
- Giáo viên cần hướng dẫn, cung cấp kiến thức, gợi ý để học sinh được nắm đươc các kiến thức về ngôn ngữ mĩ thuật như đường nét, màu sắc, bố cục,… Chẳng hạn, thông qua chủ đề Âm nhạc và Sắc màu (lớp 4,5), học sinh học về sự phối hợp của Âm nhạc với đường nét, màu sắc, củng cố các kiến thức về màu sắc đã học ở lớp 1,2, sự vận dụng trong học tập và thực tế, …
4. b) Học bằng Mĩ thuật (học kiến thức mĩ thuật theo phương pháp, hình thức tiếp cận khác)
-Giáo viên tạo điều kiện để đưa học sinh vào trong môi trường mĩ thuật, môi trường tự nhiên, xã hội để học sinh tự mình trải nghiệm và phát triển các kiến thức, kĩ năng mĩ thuật được học trên lớp như học qua triển lãm, bảo tàng, di tích lịch sử, văn hóa, cảm nhận và liên kết với tác phẩm mĩ thuật bằng những trải nghiệm thực tế, sáng tạo mới,…
4. c) Học với Mĩ thuật
-Tạo được sự tham gia tích cực của học sinh vào môn học bằng các hình thức khởi động, các trò chơi vui, hay, bổ ích vào môn học. Học sinh sử dụng Mĩ thuật như một công cụ để học các môn học, kiến thức khác như Tiếng Việt, Ngoại ngữ,Tự nhiên, Xã hội, Toán, Âm nhạc, GD đạo đức,…. Ví dụ như dạy chủ đề Âm nhạc và sắc màu học sinh sẽ thấy biết được mối quan hệ giữa âm nhạc và Mĩ thuật.
4. d) Học thông qua Mĩ thuật (học những kĩ năng cần thiết cho cuộc sống)
-Trong quá trình dạy học môn Mĩ thuật là giáo viên đã tạo cơ hội cho HS học được nhiều kiến thức của cuộc sống, thông qua các hoạt động làm mặt nạ hoá trang, chủ đề lễ hội quê em,… học sinh có những hiểu biết về các lễ hội, văn hoá truyền thống của dân tộc, tinh hoa nghệ thuật thế giới,…Ngoài ra các em còn biết được những kĩ năng cơ bản áp dụng vào trong cuộc sống, tạo ra những cái đẹp cho cuộc sống.
5. Một số lưu ý:
– Nắm vững các nội dung yêu cầu và phương pháp tổ chức để vận dụng linh hoạt trong các chủ đề, phù hợp với điều kiện thực tế và đối tượng HS
– Dựa vào điều kiện thực tế ở mỗi địa phương, GV linh hoạt lựa chọn các vật liệu và quy trình, phương pháp dạy học mĩ thuật phù hợp.
Động viên, khuyến khích, hỗ trợ kịp thời để giúp HS phát triển năng lực cá nhân
- yêu cầu học sinh chuẩn bị các học liệu, đồ dùng học tập cho buổi học sau.
- Giáo viên cũng cần cho học sinh mang sản phẩm về nhà để trưng bày thành góc Mĩ thuật ở gia đình.
– Cuối mỗi chủ đề, GV cần tổ chức cho HS trưng bày, giới thiệu, thuyết trình về sản phẩm theo hình thức phù hợp với khả năng, ý tưởng của HS;
– Đánh giá kết quả học tập của HS theo năng lưc, trong cả quá trình hoạt động và qua sản phẩm.
– Phối hợp với các lực lượng khác để tổ chức các hoạt động dạy học mĩ thuật hiệu quả (Ban giám hiệu, GV chủ nhiệm, cha mẹ học sinh,…)